Liệu chính trường Ba Đình còn chao đảo đến đâu nữa?

Ls. Vũ Đức Khanh

Sự bất đồng nội bộ giữa việc duy trì mối quan hệ truyền thống với Trung Quốc và Nga, và xu hướng gia tăng hợp tác với phương Tây là một trong những lý do khiến tình hình chính trị ở Ba Đình trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết.

Biếm họa của Ba Bùi

Từ cuối năm 2022 đến nay, chính trường Việt Nam chứng kiến những biến động chưa từng có với các thay đổi liên tục ở những vị trí lãnh đạo cao cấp, đặc biệt là chức danh Chủ tịch nước. Hiện nay, dư luận đang quan tâm về khả năng ông Tô Lâm, người giữ vai trò Chủ tịch nước từ tháng 5/2024 và kiêm nhiệm chức Tổng Bí thư Đảng từ tháng 8/2024, có thể phải rời bỏ chức vụ Chủ tịch nước ngay tại kỳ họp Quốc hội tới, khai mạc ngay21/10. Sự thay đổi nhân sự quá nhanh như vậy khiến nhiều người đặt câu hỏi: Liệu chính trường Ba Đình còn chao đảo đến đâu nữa?

Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, khi Việt Nam liên tục nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 5 quốc gia phương Tây (Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Úc và Pháp) trong thời gian chưa đầy hai năm, việc duy trì ổn định chính trị và định hướng phát triển là tối quan trọng. Tuy nhiên, sự chao đảo trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam lại là dấu hiệu của một tình trạng bất ổn ngầm trước áp lực quốc tế ngày càng lớn. Câu hỏi đặt ra là liệu Việt Nam có thể duy trì vị thế trung lập trong cuộc cạnh tranh giữa các siêu cường mà vẫn đảm bảo sự phát triển bền vững?

1.Bất ổn nội bộ ĐCSVN và áp lực quốc tế

Việc thay đổi liên tục các chức danh lãnh đạo cao nhất tại Việt Nam, đặc biệt là chức Chủ tịch nước, thể hiện rõ một thực tế: nội bộ Đảng Cộng sản đang gặp khó khăn trong việc giữ vững sự đồng thuận và ổn định quyền lực. Từ chiến dịch chống tham nhũng của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho đến sự phân chia quyền lực giữa các nhóm lợi ích, hệ thống lãnh đạo Việt Nam đang phải điều chỉnh trước sức ép nội bộ lẫn bên ngoài.

Áp lực quốc tế đối với Việt Nam càng gia tăng khi Hà Nội đã ký kết và nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với hàng loạt quốc gia phương Tây. Trong đó, đáng chú ý là Mỹ, Nhật Bản, Úc, và gần đây nhất là Pháp, với mục tiêu không chỉ thúc đẩy hợp tác kinh tế mà còn đối trọng với sự ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga. Khi Trung Quốc và Nga nằm trong số 8 đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam, việc chuyển trọng tâm hợp tác sang phương Tây đồng nghĩa với việc Hà Nội đang tìm kiếm những đồng minh kinh tế và chính trị mạnh hơn để bảo vệ lợi ích quốc gia trong bối cảnh khu vực ngày càng phức tạp.

Tuy nhiên, chính những động thái này lại tạo ra áp lực lớn hơn lên nội bộ Đảng CSVN, khi các phe phái quyền lực có những toan tính riêng trong việc lựa chọn hướng đi cho đất nước. Sự bất đồng nội bộ giữa việc duy trì mối quan hệ truyền thống với Trung Quốc và Nga, và xu hướng gia tăng hợp tác với phương Tây là một trong những lý do khiến tình hình chính trị ở Ba Đình trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết.

2.Ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư quốc tế

Trong mắt các nhà đầu tư quốc tế, sự thay đổi quá nhanh trong bộ máy lãnh đạo, đặc biệt là ở vị trí biểu tượng như Chủ tịch nước, có thể gây ra những nghi ngại về sự ổn định dài hạn của Việt Nam. Mặc dù Việt Nam đã thực hiện nhiều cải cách kinh tế và mở cửa thị trường trong những thập niên qua, niềm tin vào sự ổn định chính trị là yếu tố then chốt để bảo đảm dòng vốn đầu tư liên tục đổ vào. Nếu sự thay đổi này không được công khai và minh bạch, nhà đầu tư có thể lo ngại rằng nội bộ Đảng đang gặp khó khăn trong việc quản lý quyền lực và điều hành đất nước.

Việt Nam đã cố gắng định hình hình ảnh một quốc gia ổn định trong khu vực, đặc biệt khi so sánh với các nước láng giềng như Miến Điện (Myanmar) hay Thái Lan. Tuy nhiên, những biến động gần đây có thể làm tổn hại đến hình ảnh này nếu chính quyền không kịp thời đưa ra các biện pháp rõ ràng nhằm trấn an dư luận và các đối tác quốc tế. Đối với các nhà đầu tư phương Tây, đặc biệt là trong bối cảnh hợp tác chiến lược toàn diện, sự ổn định chính trị sẽ là yếu tố quyết định cho sự tiếp tục phát triển quan hệ thương mại và đầu tư

3.Cần cải cách chính trị mạnh mẽ để duy trì phát triển và tránh sự lũng đoạn của Trung Quốc

Nhìn xa hơn, Việt Nam cần tiến hành các cải cách chính trị một cách mạnh mẽ để duy trì sự phát triển kinh tế và tránh rơi vào thế bị động trước sự can thiệp từ Trung Quốc. Trong bối cảnh cạnh tranh quyền lực ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương ngày càng gay gắt, Việt Nam phải củng cố nội bộ, cải thiện quản trị nhà nước và tăng cường dân chủ hóa để mở ra những cơ hội hợp tác sâu rộng hơn với các nước phương Tây.

Nếu không có những cải cách cần thiết, khoảng trống quyền lực hoặc sự thiếu minh bạch trong việc điều hành đất nước có thể tạo điều kiện cho Trung Quốc lũng đoạn kinh tế và chính trị Việt Nam. Trung Quốc luôn là một đối tác có sức ảnh hưởng lớn đối với Việt Nam, và họ sẵn sàng tận dụng bất cứ điểm yếu nào trong hệ thống chính trị của Việt Nam để gia tăng sự kiểm soát. Do đó, việc duy trì sự ổn định phải đi đôi với cải cách thể chế, nhằm tăng cường sức đề kháng trước mọi sự lũng đoạn từ bên ngoài.

4.Cải cách là tất yếu

Việc ông Tô Lâm có thể sẽ rời khỏi ghế Chủ tịch nước, đó là một dấu hiệu của những xung đột quyền lực đang diễn ra trong nội bộ Đảng CSVN. Nhưng trên hết, Việt Nam cần nhìn nhận rằng để duy trì vị thế trên trường quốc tế và bảo đảm sự phát triển bền vững, cải cách chính trị và dân chủ hóa là không thể tránh khỏi. Các nhà đầu tư quốc tế và chính phủ các nước phương Tây sẽ tiếp tục ủng hộ Việt Nam nếu họ thấy rõ một chiến lược phát triển ổn định và minh bạch.

Thay đổi lãnh đạo không phải là vấn đề cốt lõi. Điều quan trọng hơn là việc Hà Nội cần đưa ra những quyết sách phù hợp để vừa giữ vững tăng trưởng kinh tế, vừa tránh rơi vào bẫy quyền lực mà các thế lực ngoại bang, đặc biệt là Trung Quốc, đang nhắm đến. Chính sự cải cách chính trị và dân chủ hóa sẽ tạo nên sức mạnh nội tại cho Việt Nam để chống lại mọi sự can thiệp và bảo vệ lợi ích quốc gia trong dài hạn./.


>>“Thái tử Bộ Công an” Đại tá Nguyễn Minh Phương là ai?

>> Chuyện kỳ lạ: Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lâm được quy hoạch vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng

>> Bộ trưởng Lương Tam Quang gặp rắc rối tại sân bay trong chuyến thăm Nga vừa qua