VinFast đứng trước áp lực bán tháo cổ phiếu của nhà đầu tư ngoại

Ngày 23/1, BBC Tiếng Việt đưa tin: “Nhà đầu tư nước ngoài bán tháo cổ phiếu VinFast, Vingroup áp lực”.

Theo đó, BBC trích dẫn hãng tin nước ngoài cho hay, đang có nhiều hơn ánh mắt đổ dồn đến Tập đoàn Vingroup và chiến lược hậu thuẫn VinFast của họ. Nhà sản xuất ô tô điện thua lỗ, khi mà cổ phiếu của VinFast đang ở gần mức thấp nhất trong nhiều năm qua do các nhà đầu tư nước ngoài bán tháo, và chi phí vay gia tăng.

Áp lực lên Vingroup, một tập đoàn lớn của Việt Nam với các lĩnh vực kinh doanh trải rộng từ ô tô, bất động sản, bán lẻ và nghỉ dưỡng, đã gia tăng trong tháng này khi Moody’s và Fitch đặt mức xếp hạng “rác” cho khoản nợ của Vinhomes – đơn vị kinh doanh bất động sản thu về lợi nhuận cao nhất cho Vingroup, cũng như cho trái phiếu quốc tế trị giá 500 triệu USD mà công ty này dự định phát hành.

Theo BBC, mức xếp hạng này có nghĩa rằng trái phiếu được cho là có rủi ro vỡ nợ cao hơn, và bị xếp hạng thấp bởi các tổ chức xếp hạng tín dụng.

Theo cả Fitch và Moody’s, nguyên nhân dẫn tới mức xếp hạng nói trên là mối liên hệ của Vinhomes tới Vingroup.

BBC dẫn lời ông Leif Schneider, giám đốc hãng luật quốc tế Luther ở Việt Nam, nhận định, năm nay “có thể sẽ là năm định đoạt sức khỏe tài chính tổng quan của Vingroup”.

Theo ông, “Vingroup có thể đối mặt với sự sụt giảm tài chính sâu hơn nữa”, nếu hiệu suất của VinFast không cải thiện, nói thêm rằng Vingroup có thể giảm bớt áp lực tài chính nếu bớt hỗ trợ cho các công ty con.

BBC cho hay, Vingroup và nhà sáng lập Phạm Nhật Vượng đã rót hơn 13,5 tỷ USD vào VinFast (tính tới tháng 10/2024) dưới dạng cho vay và tài trợ, đồng thời cam kết thêm 3,5 tỷ USD vào tháng 11, bất chấp những lo ngại về khoản đầu tư mà các nhà đầu tư đã nêu ra, tại hai cuộc họp cổ đông thường niên gần đây nhất của công ty.

Vốn hóa thị trường của Vingroup đã giảm gần một nửa, xuống còn khoảng 6 tỷ USD kể từ khi VinFast niêm yết vào tháng 8/2023.

BBC trích dữ liệu của Tập đoàn LSEG, cho biết, trong năm qua, cổ phiếu của Vingroup đã giảm 6,6%, mức giảm mạnh nhất trong số 10 công ty niêm yết lớn nhất Việt Nam, và kém hiệu quả so với mức tăng 7,5% của thị trường Việt Nam.

Vào tháng 12/2024, cổ phiếu của Vingroup có mức giá thấp nhất kể từ năm 2017.

Kể từ đó, tập đoàn phần nào đã hồi phục nhưng vào tuần này mức giá vẫn ở gần mức thấp kỷ lục nói trên.

BBC cũng cho hay, kể từ khi VinFast được niêm yết, tổng giá trị tài sản người nước ngoài nắm giữ tại Vingroup đã giảm gần 60%, xuống còn 15,7 ngàn tỷ đồng. Mức giảm này nhanh hơn so với mức giảm của những nhà đầu tư trong nước, theo dữ liệu thị trường chứng khoán cập nhật đến tuần trước.

BBC cho biết, theo Vingroup, việc người nước ngoài bán ròng là một xu hướng rộng hơn ở Việt Nam và Đông Nam Á, chủ yếu do mức lãi suất cao ở Mỹ.

VinFast đã lỗ gần 2 tỷ USD trong 3 quý đầu năm 2024, theo dữ liệu mới nhất, nhưng đang dần thu hẹp mức lỗ, khi doanh thu gia tăng nhờ doanh số bán ô tô vượt quá mục tiêu đã được giảm xuống trước đó.

Nhờ bán tài sản, doanh thu và lợi nhuận của Vingroup đã tăng trong 9 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023.

Tuy nhiên, chi phí vay của Vingroup đang tăng đều đặn. Vào tháng 5/2024, công ty đã phát hành trái phiếu kỳ hạn 2 năm với lãi suất 12,5%, cao hơn mức trung bình là 10,6% vào năm 2023, và 9,6% vào năm 2022 đối với kỳ hạn dài hơn một chút.

BBC trích dẫn hãng tin nước ngoài, cho biết, Ngân hàng thương mại Techcombank của Việt Nam – một trong những chủ nợ lớn nhất của Vingroup, không trả lời yêu cầu bình luận của hãng tin này.

Trong khi đó, Công ty Moody’s cho biết rằng, mặc dù có mức nợ thấp và dễ quản lý, nhưng “chất lượng tín dụng của Vinhomes bị chính tham vọng tăng trưởng, và mối liên hệ với công ty mẹ Vingroup kìm hãm”.

 

Quang Minh – thoibao.de