Tại sao cần trưng cầu dân ý đối với dự án Đường sắt Cao tốc Bắc Nam?

Dự án xây dựng Đường sắt Cao tốc Bắc Nam là một dự án lớn, với vốn đầu tư lên đến 67 tỷ USD. Cho dù lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam nhiều lần trấn an rằng, Đường sắt Cao tốc Bắc Nam sẽ được xây dựng bằng nguồn lực trong nước, không vay vốn từ nước ngoài.

Nhưng có nghi ngờ cho rằng, Trung Quốc sẽ là là “nhân tố bí mật”, và sẽ lộ diện ngay khi có cơ hội thuận tiện. Bởi lý do, ngoài Trung Quốc ra thì Việt Nam khó có thể tìm được một đối tác nước ngoài khác có khả năng cung cấp tín dụng, và công nghệ cho đại dự án này.

Ngoài ra, cũng vì sự áp đặt và sự gấp rút của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Cụ thể là vào ngày 7/10, kết luận của Thường Trực Chính Phủ cho biết, dự án này đã được Bộ Chính Trị, và Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất chủ trương. Đồng thời, Thường trực Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giao thông – Vận tải khẩn trương tiếp thu ý kiến, hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Hội đồng Thẩm định Nhà nước trước ngày 10/10, để sau đó trình Chính phủ vào ngày 18/10.

Theo giới chuyên gia nhận xét, một dự án xây dựng “đặc biệt quan trọng” có vốn đầu tư hàng chục tỷ đô la, mà chỉ thẩm định vỏn vẹn trong vòng một tuần thì quả là không thể tưởng tượng nổi. Chưa kể đến vấn đề phương án kỹ thuật của dự án, mà Chính phủ đưa ra vẫn còn gây nhiều tranh cãi.

Câu hỏi được đặt ra, tại sao ông Phạm Minh Chính vì lý do gì đã kiên quyết khẳng định rằng, “Chỉ bàn làm, không bàn lùi”? Phải chăng có sự thúc đẩy của Ban lãnh đạo Bắc Kinh? Ngoài ra, có nhiều ý kiến nhận thấy rằng, chính quyền cần tổ chức trưng cầu dân ý về dự án này.

Luật Trưng cầu Dân ý của Việt Nam đã ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, và được đánh giá là sự thể chế hóa quyền “dân chủ trực tiếp” của công dân, đã được Hiến pháp quy định. Tuy nhiên kể từ đó cho đến nay, bộ luật này chỉ tồn tại trên văn bản, và không được chính quyền áp dụng một lần nào.

Theo kế hoạch, Quốc hội Việt Nam khai mạc ngày 21/10, sẽ xem xét và thông qua Nghị quyết Kế hoạch Xây dựng tuyến Đường sắt Cao tốc Bắc Nam. Đây là lần thứ 2, dự án này sẽ được Quốc hội xem xét và thông qua.

Lần thứ nhất, vào ngày 19/6/2010, sau khi đã có sự chấp thuận của Bộ Chính Trị và Trung ương Đảng. Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trình Quốc hội với chi phí đầu tư khoảng 58 tỷ USD. Nhưng có tới 208 người  trong tổng số 439 Đại biểu Quốc hội, chiếm tỷ lệ 41%, đã bỏ phiếu không tán thành. Tham vọng “Ăn sáng ở Hà Nội, ăn trưa ở Sài Gòn” của ông Ba Dũng đã phá sản.

Tuy vậy, có nhiều dấu hiệu báo trước, cho thấy Quốc hội lần này sẽ không phản bác dự án này như cách đây 14 năm. Dự án Đường sắt cao tốc Bắc Nam sẽ được Quốc Hội thông qua, với lý do các Đại biểu Quốc hội hiện nay chỉ là những nghị gật theo chỉ thị của Đảng.

Lần này, khả năng cao, dự án Đường sắt Cao tốc Bắc Nam sẽ được triển khai, bất chấp các cảnh báo của giới chuyên gia kinh tế, cũng như kỹ thuật. Đây sẽ là một cái chết đã được báo trước.

Dự án Đường sắt Cao tốc Bắc Nam sẽ gây ra tai họa gấp hàng trăm, hàng ngàn lần dự án Đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, với chiều dài chỉ 14km như đã thấy. Kể cả vấn đề đội vốn thêm nhiều chục tỷ USD cũng cần phải được lường trước.

Các quan chức lãnh đạo Việt Nam rồi cũng sẽ hoàn toàn vô can, và được hưởng những món lại quả khổng lồ. Ở chiều ngược lại, mọi sự thiệt hại đều phải trả bằng những đồng tiền thuế đẫm mồ hôi và nước mắt của người dân Việt Nam.

 

Trà My – Thoibao.de