Vì sao cần tinh gọn và sáp nhập ngay bộ máy Đảng vào bộ máy Nhà nước?

Hệ thống tổ chức của chính quyền Việt Nam được giới nghiên cứu gọi là “song trùng”. Nghĩa là, có sự tồn tại song song của 2 hệ thống – bộ máy Nhà nước và bộ máy Đảng.

Hệ thống song trùng này dẫm chân nhau khi chỉ đạo, quản lý, và thực thi cùng một công việc.

Đây cũng chính là một trong những nội dung góp ý của giới chuyên gia, cho Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Tô Lâm, trong vấn đề “chống lãng phí”. Theo đó, việc cần làm là phải tinh gọn bộ máy Đảng và bộ máy Nhà nước, để tránh lãng phí và chồng chéo, khi phải tốn ngân sách để nuôi đến 2 hệ thống.

Ví dụ, bên cạnh uỷ ban nhân dân một tỉnh, thì luôn có cơ quan tỉnh ủy, mà chủ tịch tỉnh lại đương nhiên là phó bí thư tỉnh ủy.

Sự trùng lặp như vậy tạo nên một cơ cấu biên chế rất lớn, cho lĩnh vực hành chính công tại Việt Nam. Ngoài ra, các chi phí về trụ sở, trang thiết bị đi kèm, cũng hết sức tốn kém. Đó là chưa kể đến hệ thống “ăn bám” khổng lồ, gồm các “tổ chức xã hội” nhưng lại hưởng lương, được cấp kinh phí hoạt động từ ngân sách, như Đoàn Thanh niên Cộng sản, Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ…

Đây là một trong những lý do khiến ông Tô Lâm nỗ lực theo đuổi mô hình nhất thể hóa. Đồng thời, đây cũng chính là việc hợp nhất các chức danh của Đảng với chính quyền. Theo đó, hệ thống lãnh đạo từ cấp tỉnh, đến cấp xã, chỉ có một chức danh duy nhất đứng đầu, và kiêm nhiệm 2 vai trò – Đảng và Nhà nước – như tỉnh trưởng, huyện trưởng, hay xã trưởng.

Được biết, đây là vấn đề đã được Đảng Cộng sản Việt Nam đề cập và thảo luận từ rất lâu, nhưng không thể thực hiện. Cụ thể, từ năm 2013, cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề cập đến việc nhất thể hóa 2 chức danh – Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước – nhưng đã bị Tổng Bí thư Trọng bác bỏ.

Tuy nhiên, đến tháng 8/2016, Tạp chí Cộng sản có bài của nhà báo Nhị Lê; hay Tạp chí Tia sáng mới đây có bài của Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng – nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, đề nghị gộp 2 chức danh Tổng Bí thư và Chủ tịch nước, theo mô hình “nhất thể hóa”. Mô hình này đã được Trung Quốc áp dụng thành công từ năm 2012, dưới thời ông Tập Cận Bình.

Trong diễn văn bế mạc Hội nghị Trung ương 6, Tổng Bí thư Trọng cũng đề cập tới vấn đề này. Ông nói rằng, sẽ sắp xếp lại tổ chức hệ thống chính trị, cho tinh gọn và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, cố Tổng Bí thư Trọng thừa nhận, đây là vấn đề phức tạp và nhạy cảm, vì liên quan đến sự lãnh đạo của Đảng.

Theo giới phân tích, việc thu gọn hệ thống tổ chức của bộ máy chính quyền Việt Nam, là điều bắt buộc. Trong bối cảnh, nợ công hiện nay rất lớn, mà bộ máy chính quyền quá cồng kềnh, chi phí thường xuyên rất cao.

Tuy nhiên, việc sắp xếp lại tổ chức, sáp nhập bộ máy Đảng vào bộ máy nhà nước, sẽ không thành công. Không chỉ vấn đề ai đi, ai ở, cũng như, một lượng lớn cán bộ không biết đưa vào đâu. Nguyên nhân chính của sự thất bại là do các quan chức Việt Nam, vì quyền lợi và quyền lực, đều quyết tâm bám chặt ghế.

Được biết, dưới thời Bí thư Tỉnh ủy Phạm Minh Chính, tỉnh Quảng Ninh đã thí điểm mô hình nhất thể hóa ở cấp xã. Theo đó, mỗi xã chỉ có duy nhất một viên chức, được chỉ định điều hành mọi công việc của xã, thay cho 2 vị trí chủ tịch và bí thư xã. Đây là một trong những lý do, tại Đại hội 12, ông Chính đã lọt vào Bộ Chính trị, và trở thành Trưởng ban Tổ chức Trung ương.

Nhân việc ông Tô Lâm kêu gọi chống lãng phí, thì việc thu gọn hệ thống hành chính, chính trị Việt Nam, tại thời điểm này, là điều bắt buộc và không thể bàn lùi thêm được nữa.

 

Trà My – Thoibao.de