Trung Quốc gia tăng năng lực tác chiến điện tử và ngăn chặn trên quần đảo Hoàng Sa

Ngày 19/10, BBC Tiếng Việt bình luận, “Trung Quốc xây hệ thống radar trên đảo Tri Tôn: Việt Nam đối mặt nguy cơ nào?”.

BBC cho hay, các hình ảnh vệ tinh mới cho thấy, đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa, đang trở thành một trong những căn cứ do thám chính của Trung Quốc trên Biển Đông. Một khi được hoàn tất, hệ thống radar trên đảo này, sẽ góp phần gia tăng đáng kể năng lực của Trung Quốc, trong tác chiến điện tử và ngăn chặn trên khắp quần đảo Hoàng Sa.

BBC dẫn Viện nghiên cứu Chatham House, Anh quốc, cho rằng, điểm radar này sẽ góp mặt vào mạng lưới giám sát rộng lớn hơn, vốn đã bao phủ phần lớn Biển Đông.

BBC cho biết, đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa và nằm gần Việt Nam nhất, chỉ cách đất liền của Việt Nam khoảng 136 hải lý, và cách đảo Lý Sơn khoảng 121 hải lý.

Quần đảo Hoàng Sa được Việt Nam tuyên bố chủ quyền, nhưng lại nằm dưới sự quản lý của Trung Quốc.

BBC nhắc lại, sau trận Hải chiến Hoàng Sa vào năm 1974 với Hải quân của Việt Nam Cộng hòa, Trung Quốc đã hoàn thành việc chiếm hữu trên thực tế đối với quần đảo này.

Vào năm 2014, căng thẳng lại dâng cao, sau khi Bắc Kinh hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, gần quần đảo Hoàng Sa. Tàu chấp pháp Trung Quốc cũng thường xuyên tấn công tàu cá Việt Nam trên vùng biển này.

Theo BBC, thông qua các hình ảnh vệ tinh từ Công ty Maxar, các nhà nghiên cứu từ Chatham House đã phát hiện việc xây dựng hệ thống radar mới – được gọi là hệ thống radar khẩu độ xung lực tổng hợp (SIAR), có thể phát hiện được máy bay và các thiết bị tàng hình trên đảo Tri Tôn nói trên.

Hệ thống radar chống tàng hình mới này có cấu trúc hình bát giác, giống hệ thống SIAR cũng do Trung Quốc xây dựng trên đá Xu Bi, ở quần đảo Trường Sa, vào năm 2017. Hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy, một cái tháp đang được xây dựng gần radar SIAR, có thể là trung tâm vận hành.

Như vậy, BBC nhận xét, một khi được hoàn thành, hệ thống radar trên đảo Tri Tôn sẽ góp mặt để hình thành một mạng lưới, gồm ít nhất 3 hệ thống radar chống tàng hình trên Biển Đông, mà Trung Quốc đã thiết lập trong thập kỷ qua, bao gồm đảo Hải Nam và đá Xu Bi ở Trường Sa.

Vẫn theo BBC, vào năm 2018, một bài viết của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) cho biết, Trung Quốc đã tập trung vào việc xây dựng hạ tầng quân sự trên các đảo mới được bồi đắp ở Biển Đông. Riêng tại quần đảo Trường Sa, vào năm 2018, đã có hơn 40 cơ sở radar trên 7 điểm đảo khác nhau.

Theo đánh giá của Chatham House, việc Trung Quốc xây dựng các công trình do thám trên đảo Tri Tôn, sẽ làm “giảm đáng kể khả năng hoạt động bí mật” của Việt Nam trong khu vực.

Viện nghiên cứu Chatham House cho rằng, hệ thống radar hiện hữu trên đảo Tri Tôn có khả năng theo dõi tàu bè trên biển. Sắp tới, với hệ thống radar này, Trung Quốc có khả năng theo dõi các di chuyển trên không, phát hiện sớm nhất cử nhất động của Việt Nam trong khu vực, bao gồm hoạt động tiếp cận các mỏ dầu khí.

BBC dẫn lời ông Bill Hayton, nhà nghiên cứu chương trình châu Á – Thái Bình Dương của Chatham House, cho rằng, việc Trung Quốc tăng cường hạ tầng trên đảo Tri Tôn, cho thấy ham muốn gia tăng kiểm soát những nguồn tài nguyên này.

BBC cũng dẫn nhận định của nhà nghiên cứu Gregory B Poling, Giám đốc chương trình Đông Nam Á từ CSIS, Hoa Kỳ, liên quan đến khả năng Trung Quốc sử dụng căn cứ quân sự Ream tại Campuchia, cho rằng, nếu kịch bản xung đột Việt – Trung xảy ra, thì Việt Nam sẽ bị gọng kìm bao vây từ 3 hướng – từ biên giới trên bộ, từ biển Đông (chẳng hạn tại quần đảo Hoàng Sa), và phía nam là từ căn cứ Ream của Campuchia.

 

Ý Nhi – thoibao.de